Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 – 2025”.
Theo quy định, biệt thự thuộc đối tượng quản lý của quy chế này được phân loại thành 3 nhóm, gồm nhóm 1 (70 – 100 điểm) là những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá; biệt thự gắn liền với cách mạng – kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 – 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật).
Nhóm 2 được đánh giá từ 50 – 69 điểm, gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1. Nhóm 3 được đánh giá dưới 50 điểm, gồm những biệt thự không thuộc nhóm 1, nhóm 2.
Nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý của quy chế này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đặc biệt phải có ghi chú “Nhà biệt thự được quản lý, sử dụng theo quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954”.
Nhà biệt thự có giá trị về lịch sử văn hoá, cách mạng – kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thuộc nhóm 1, nhóm 2 quy định tại quy chế này được cấp giấy chứng nhận “Nhà biệt thự có giá trị lịch sử văn hoá, cách mạng – kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu”.
Thành phố không cho phép đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp: chia tách thành nhiều thửa đất đối với khuôn viên đất của nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; chặt hạ cây xanh cổ thụ, xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất trống của nhà biệt thự; chia tách hợp đồng thuê nhà đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.
Thành phố giao UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự trên địa bàn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Về bảo trì, theo quy chế, phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng. Đối với biệt thự có giá trị về lịch sử văn hoá; biệt thự gắn liền với các sự kiện chính trị, cách mạng – kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng, việc bảo trì phải tuân thủ các quy định về sửa chữa, tu bổ, bảo quản và phục hồi di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh.
Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 1 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải có ý kiến chuyên ngành của Sở Xây dựng, Sở QH&KT, và phải được UBND thành phố chấp thuận. Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 2 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải được sở QH&KT chấp thuận. Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 3 được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng.
Về cải tạo, đối với biệt thự nhóm 1, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng, kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự cũ; không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của nhà biệt thự.
Đối với nhà biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hoá, cách mạng – kháng chiến đã được xếp hạng, việc cải tạo nhà biệt thự phải đảm bảo các quy định của Luật Di sản văn hoá và phải được Sở VH&TT thoả thuận phương án cải tạo, xây dựng lại.
Đối với nhà biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, phải được Sở QH&KT thoả thuận phương án cải tạo.
Đáng chú ý, theo quy định, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.
Các trường hợp được phá dỡ, xây dựng lại nhà biệt thự gồm:
Trường hợp biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (nhóm 1) và UBND thành phố (nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại.
Đối với biệt thự nhóm 1, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự theo kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh và quy hoạch của nhà biệt thự cũ trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.
Đối với biệt thự nhóm 2, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng, kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.
Trường hợp biệt thự do cơ quan T.Ư quản lý, Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến thoả thuận trước khi báo cáo UBND thành phố xem xét. Các trường hợp đặc biệt phải phá dỡ để xây dựng công trình khác theo văn bản chấp thuận Thủ tướng Chính phủ thì UBND thành phố quyết định cho phép phá dỡ.
Trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng (với biệt thự thuộc sở hữu nhà nước và biệt thự do các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng hoặc biệt thự đan xen sử dụng giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân), UBND quận (nếu biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng) kiểm tra, báo cáo UBND thành phố cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.
Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.
Theo thông tin từ UBND thành phố, hiện trên địa bàn có 1.216 biệt thự, được phân loại về sở hữu, quản lý như sau:
367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, gồm cả biệt thự của Văn phòng T.Ư Đảng, Cục phục vụ ngoại giao Đoàn (Bộ Ngoại giao), của các cơ quan khác của T.Ư và thành phố, của các Cty quản lý nhà quản lý. Trong 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nói trên, phân loại có 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3.
Có 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau.
Có 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.